Lượt xem: 209

Song Phụng phát huy hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Xác định được tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC), nên trước khi thực hiện bất kỳ công trình, dự án nào liên quan tới người dân, xã Song Phụng, huyện Long Phú đều thông báo rộng rãi, lấy ý kiến Nhân dân, họp bàn để thống nhất thực hiện. Qua đó, Nhân dân được biết, được bàn và quyết định trực tiếp các vấn đề liên quan tới việc huy động đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, xây dựng hương ước, quy ước ấp văn hóa, các công việc nội bộ cộng đồng khu dân cư.

    Song Phụng là xã nông thôn thuộc huyện Long Phú, có diện tích sản xuất nông nghiệp trên 1.319 ha; dân số 1.872 hộ, với 6.611 khẩu; địa bàn xã chia thành 04 ấp. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa với các vùng lân cận. Người dân nơi đây sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, hơn 10% số hộ sống bằng dịch vụ buôn bán… Xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 55 hộ, chiếm tỷ lệ trên 2%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.



Xã Song Phụng nhanh chóng thi công công trình bờ kè chống sạt lở đất, giúp người dân an tâm sinh sống. Ảnh Sóc Ca

 

    Những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền, khối vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ từ trong nội bộ đến quần chúng nhân dân như: Công tác quy hoạch cán bộ; công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ; công tác thi đua khen thưởng; thu, chi ngân sách; xây dựng các công trình; bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa; các dự án phát triển sản xuất; an sinh xã hội; Quỹ vì người nghèo, Quỹ hỗ trợ nông dân… đều được thực hiện công khai dân chủ, từ đó cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân luôn đồng tình và tin tưởng sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương.

    Đồng chí Trần Hữu Thành - Thường trực Đảng ủy xã Song Phụng cho biết: “Tiếp tục thực hiện Pháp lệnh số 34-PL/UBTVQH, ngày 20/04/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản của cấp trên về thực hiện dân chủ, chúng tôi quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết, đồng thời gắn việc thực hiện QCDC với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đây là việc làm thường xuyên, bảo đảm phát huy dân chủ, công khai trong các hoạt động cơ quan, đơn vị, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức. Qua đó, thực hiện tốt việc công khai minh bạch trong hoạt động điều hành, công khai thủ tục hành chính và các quy định giải quyết thủ tục hành chính, các khoản thu phí, thu, chi ngân sách; công khai các công trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế có liên quan đến công tác dân vận; công khai 11 nội dung theo Pháp lệnh 34-PL/UBTVQH, đúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… Nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt là việc thực hiện 15 tiêu chí hộ gia đình văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới theo Quyết định 217/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng”.

    Nhờ thực hiện tốt QCDC mà Nhân dân đã thể hiện sự tin tưởng, đồng thuận đối với các chủ trương, quyết sách của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã. Thể hiện qua việc người dân hiến trên 50 ha đất, hoa màu, vật kiến trúc… để xây dựng các công trình lộ giao thông nông thôn, kênh thủy lợi nội đồng, trị giá trên 61 tỷ đồng và đóng góp trên 10.000 ngày công lao động, trị giá trên 02 tỷ đồng.

    Hằng năm, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở xã Song Phụng xây dựng chương trình, kế hoạch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện, định kỳ có sơ kết đánh giá kết quả trong quá trình thực hiện; chủ động, tích cực trong quá trình chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện QCDC ở địa phương, cơ quan, đơn vị và tổ dân vận 4/4 ấp; thực hiện niêm yết công khai các nội dung cần thực hiện trong năm tại trụ sở ấp, các điểm đông dân cư, thông tin trên các hệ thống truyền thanh của xã và ấp.

    Đảng ủy, phối hợp cùng tổ dân vận 4 ấp tiến hành tổ chức họp dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các mô hình tự quản, mô hình phát triển kinh tế như: Mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, trồng nhãn xuồng cơm vàng, bưởi da xanh, chanh không hạt, thanh long, mãng cầu gai, chanh dây ngọt, bò thịt, nuôi dê, nuôi gà, mô hình thắp sáng đường quê… để phát triển kinh tế cho địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân; phát động phong trào cảnh giác phòng, chống tội phạm, xây dựng ấp không có tệ nạn xã hội, người dân không vi phạm pháp luật… qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

    Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như vai trò của Mặt trận và các đoàn thể tiếp tục được phát huy mà công tác thực hiện QCDC gắn với các phong trào khác ở cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sóc Ca



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 783
  • Trong tuần: 68,103
  • Tất cả: 11,852,292